Hiện nay, có 2 nhóm chính làm nghề quy hoạch ở Việt Nam
Nhóm thứ nhất là những nhà quy hoạch Việt Nam, trong đó hầu hết các đơn vị tư vấn quy hoạch lớn cũng là cơ quan nhà nước (Viện quy hoạch trực thuộc cấp Bộ và các Trung tâm quy hoạch trực thuộc các Sở) và là lực lượng nồng cốt trong lĩnh vực quy hoạch đô thị Việt Nam. Viện quy hoạch là đơn vị chủ chốt tham gia phát triển khung pháp lý và chiến lược quốc gia về phát triển đô thị, Các trung tâm quy hoạch thường tham gia lập các đồ án quy hoạch cấp xã, cụm công nghiệp, các khu dân cư/khu đô thị mới. Các cơ quan này có những ảnh hưởng đặt biệt đến những quy định về quy trình lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện đồ án.
Nhiều khi, do ý chí nhiều hơn là nhu cầu thực tế nên tình trạng quy hoạch đô thị phát triển ồ ạt, dẫn đến hầu hết các đồ án quy hoạch chung đều nhanh chóng trở nên không phù hợp với thực tế sau khi mới được phê duyệt nên thường xuyên phải điều chỉnh dẫn đến số lượng công việc làm cho các nhà tư vấn khá “dồi dào”, đặt biệt là đối với các đơn vị nhà nước. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp quy chậm đổi mới so với thực tiễn đã dẫn đến sự trì trệ nhất định, với xu hướng lựa chọn những nguyên tắc, giải pháp quy hoạch thông dụng, nhiều khi đã lỗi thời đã làm lộ ra những điểm yếu của các đơn vị tư vấn trong nước. Có lẽ, đây là lý do gần đây các công ty quy hoạch nước ngoài như Almec, Isozaki, Sasaki. . . xâm nhập được vào thị trường quy hoạch Việt Nam.
Nhóm thứ hai là các nhóm chuyên gia nước ngoài này thường có những kỹ thuật, phương pháp tiếp cận, hệ thống giá trị cũng như điều kiện kinh tế và được trả cho công việc tư vấn khác hẳn với các đơn vị tư vấn Việt Nam, sản phẩm của họ thường được đánh giá cao mà Thành phố mới Bình Dương là một ví dụ. Tuy nhiên, tại một số địa phương khác như Đồng Nai, các đơn vị tư vấn nước ngoài thường được yêu cầu hợp tác với một đơn vị Việt Nam để đảm bảo sự phù hợp của sản phẩm với các quy định của Việt Nam. Trong sự cộng tác này, đối tác Việt Nam thường được phân công làm những việc như thu thập số liệu, nghiên cứu hiện trạng và trình bày sản phẩm theo quy định của Việt Nam. Có thể nói rằng, ít khi có trường hợp có được những sự bổ trợ và sự kết hợp giữa phương pháp quy hoạch tiên tiến của thế giới và những thông lệ, ngôn ngữ quy hoạch của Việt Nam. Quá trình cộng tác này, phía Việt Nam rất khó học hỏi những kinh nghiệm và cập nhật những phương pháp quy hoạch tiên tiến của thế giới mà ngược lại. Mặt khác, nhiều công ty quy hoạch nước ngoài không có đạo đức nghề nghiệp đã thuận theo và cung cấp những sản phẩm với chất lượng Việt Nam nhưng giá cả quốc tế. Tuy nhiên, các nguyên nhân nêu trên không phải là yếu tố chính dẫn đến hệ quả xấu cho quy hoạch đô thị Việt Nam.
Từ nhận thức sai lầm đến hệ quả của quy hoạch đô thị
Một số nhận thức sai lầm kèm theo sự nóng vội của các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý với mong muốn tạo ra sự đột phá để phát triển kinh tế xã hội một cách nhanh chóng trong khi các nhà quy hoạch không đủ năng lực để đề xuất những tiềm lực thực sự và xác với thực tế địa phương cũng như việc xác định được những dự án nào là ưu tiên để tạo động lực phát triển, mong muốn này không phải là sai, tuy nhiên nó đi ngược với sự phát triển tự nhiên của xã hội học về đô thị mà dưới đây là thách thức lớn nhất do một số nhận thức sai lầm trong lĩnh vực quy hoạch đô thị ở Việt Nam đã dẫn dắt hàng loạt đồ án và đô thị Việt Nam trở thành quy hoạch treo. Những nhận thức sai lầm này là hệ quả của nhiều thập kỹ kinh tế kế hoạch tập trung từ trên xuống và đã ngấm sâu vào nhận thức quy hoạch của đa số các nhà quy hoạch, các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý và người dân Việt Nam. Rõ ràng là rất khó và phải có thời gian để làm thay đổi những nhận thức sai lầm đó.
Nhận thức sai lầm thứ nhất cho rằng “những cá thể, người dân và doanh nghiệp thường là những phần tử ít hiểu biết hoặc ý thức kém về xây dựng đô thị, có xu hướng mạnh ai nấy làm, gây lộn xộn, manh mún cho đô thị” (Vietnam-Denish, 2010). Vì vậy nhiệm vụ của quy hoạch là phải giữ kỹ cương, khống chế các cá thể phải làm thế này, không được làm thế kia. Đa số tin rằng một quy hoạch dù tồi còn hơn là phát triển tự phát, không quy hoạch. Thực ra thì nhu cầu kiểm soát và đồng nhất xã hội này là một đặc điểm mang tính hệ thống của cấu trúc xã hội cũ. Nhu cầu này không thể thay đổi chỉ bằng việc tuyên bố từ nay mở cửa cho kinh tế thị trường.
Nhận thức sai lầm thứ hai cho rằng “đô thị hoá đồng nghĩa với phát triển kinh tế và sự giàu có. Nghĩa là đô thị càng lớn, đô thị hoá, hiện đại hóa càng nhiều thì càng tốt” (Vietnam-Denish, 2010). Người ta tin rằng những đô thị mới sẽ được quy hoạch và thực hiện đơn giản bằng đổi màu những vùng ruộng lúa thành màu công nghiệp, màu đô thị trong bản đồ định hướng phát triển không gian (hay quy hoạch sử dụng đất). Mỗi đô thị dự tính sẽ tăng gấp đôi dân số trong thời gian quy hoạch 10 đến 15 năm và cần mở rộng ranh giới đô thị tương ứng. “Trường hợp cực đoan nhất là việc mở rộng Hà Nội, từ 12 km2 năm 1964 lên 1000 km2 năm 1998, rồi lên 3400 km2 năm 2008” (Vietnam-Denish, 2010).
Nhận thức sai lầm thứ ba cho rằng “độ hiện đại của một đô thị được thể hiện ở độ lớn của đường giao thông” (Vietnam-Denish, 2010). Đường càng rộng, càng nhiều thì đô thị càng hiện đại. Ước vọng chung là một đô thị cho phép nhiều người có xe hơi, nhiều nhà có garage. Ước vọng này khó thay đổi, vì hiện nay, dường như xe hơi vẫn là một trong những chứng chỉ về sự thành công của người Việt Nam. Làm sao để người ta hiểu được rằng muốn quy hoạch hiệu quả cho tương lai thì phải vượt qua những nhu cầu trước mắt này, rằng “tỷ lệ phương tiện giao thông tư nhân là chứng chỉ của sự lạc hậu, và rằng tốc độ giao thông tỷ lệ nghịch với giá trị sử dụng của đất hai bên đường” (Vietnam-Denish, 2010).
Nhận thức sai lầm thứ tư là quan điểm cần phải có một quy hoạch phân khu chức năng cứng nhắc. Thói quen này xuất phát từ những lý thuyết quy hoạch tập trung từ đầu thế kỹ 20 và được áp dụng phổ biến ở Việt Nam cho đến nay. Khi đó, “nhà nước quyết định mọi chức năng và cũng là người thực hiện quy hoạch” (Vietnam-Denish, 2010). Làm sao để mọi người nhận thức được sự đa dạng công năng, độ nén mới là chất lượng đô thị.
Nhận thức sai lầm thứ năm cho rằng những tầng lớp khác nhau không nên sống chung một chỗ. Người giàu cần phải vào những khu sang trọng, có cổng, ường rào bảo vệ như khu đô thị Ciputra (Hà Nội), Phú Mỹ Hưng (Thành phố Hồ Chí Minh). Người nghèo cần những khu chung cư thu nhập thấp. Gần như các khu đô thị mới đều phân vùng rõ ràng cho 3 tầng lớp giàu, nghèo và trung lưu. Tín điều này đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam rất khó thay đổi.
Còn rất nhiều nhận thức sai lầm như vậy và khác nữa, khiến cho quy hoạch linh hoạt và tốt ở Việt Nam trở thành hiếm hoi. Tất cả đều xuất phát từ vấn đề nhận thức.
Cần khẳng định rằng “quy hoạch đô thị ở Việt Nam nên khai thác các di sản kiến thức và kinh nghiệm của thế giới để chọn hướng đi, hướng giải quyết tối ưu cho các bài toán đô thị ở Việt Nam” (Vietnam-Denish, 2010). Chúng ta không phải học và làm từ con số không. Các nước phát triển muộn cũng có lợi thế trong việc học tập kinh nghiệm những nơi khác và tránh những rủi ro cho mình. Vì vậy, các ví dụ thành công trong nước và quốc tế là nguồn tri thức tham khảo quý giá không chỉ đối với thực hành quy hoạch mà còn gợi mở những vấn đề lý thuyết nhất định.
Vài ý kiến chia sẽ
Trong khuôn khổ của bài bài viết này, khó có thể diễn đạt hết phương pháp quy hoạch mới quốc tế là gì. Xong có thể tóm tắt là đối với quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, có 3 nguyên tắc cần được tuân thủ, đó là:
- Chỉ quy hoạch/khống chế những gì cần quy hoạch/khống chế
- Chỉ quy hoạch những gì có thể khả thi
- Không có thực đơn chung cho các đồ án. Cần hài hoà những yêu cầu chung, đưa ra sản phẩm quy hoạch đáp ứng những nhu cầu cơ bản với yêu cầu có những nội dung đặc thù của đồ án dựa trên cơ sở bối cảnh riêng của khu vực quy hoạch, những yêu cầu và vấn đề riêng của đồ án.
Đối với Thiết kế đô thị trong đồ án quy hoạch chi tiết, quy trình quy hoạch cấu trúc chiến lược cần qua tâm đến 3 mối quan hệ khăng khít đô thị là nền tảng của lý tưởng đô thị học đương đại. Nó có thể định nghĩa là một quá trình xã hội nhằm thiết kế và thực hiện những mục tiêu phát triển không gian một khu vực nhất định. Quá trình này được thiết lập dựa trên các mối quan hệ có sự liên hệ qua lại lẫn nhau giữa việc tạo“Tầm nhìn chiến lược” là khung cho phát triển tương lai và bền vững, “Dự án và tầm nhìn chiến lược” là công cụ để thực hiện tầm nhìn và “Tham gia cộng đồng hay đồng thực hiện” là phương thức để lôi cuốn nhiều tác nhân, đối tác khác nhau vào quá trình quy hoạch và ra quyết định (Vietnam-Denish, 2010). Đây cũng là mô hình tiên tiến của quốc tế, được áp dụng phổ biến ở các nước phát triển cũng như đang phát triển, để phát triển cơ sở hạ tầng – một lĩnh vực tiêu tốn ngân khố nhiều nhất của một quốc gia, gọi là mô hình đối tác Công – Tư (Public-Private Partnership-PPP).
Hy vọng rằng bài viết này có thể là một cầu nối chuyên môn giữa các nhà hoạch định chiến lược Việt Nam và Quốc tế, đồng thời gợi mở ra một cái nhìn mới cho các nhà lãnh đạo về quy hoạch đô thị, góp phần làm tăng chất lượng quy hoạch đô thị ở Việt Nam.
Kts. Nguyễn Minh Bình
Sưu tập:
Vietnam – Denish, 2010. Sổ tay thiết kế đô thị ở Việt Nam – Phát triển năng động trong thời đại mới thuộc Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực môi trường (2005 – 2010) do Bộ Xây dựng chủ trì. Hanoi.
Ý kiến bạn đọc