Hội nghị do Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chủ trì.
Tại Hội nghị, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh trình bày những nội dung cơ bản của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, trong đó nhấn mạnh mục tiêu tổng quát trong 5 năm 2016 - 2020 là: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ gìn hòa bình, ổn định, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước. Nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, ông Phạm Văn Linh cũng trình bày Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII thông qua, với mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước (giai đoạn 2010-2015). Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế. Giữ gìn hòa bình, ổn định, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để xây dựng và bảo vệ đất nước, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh phát biểu tại Hội nghị.
Triển khai Chương trình hành động của ngành Xây dựng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng trong 5 năm tới, gồm: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nhất là đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước; phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của các đô thị; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, hiệu quả, thực hiện tái cơ cấu thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.
Để thực hiện thành công các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng tổ chức rà soát tổng thể và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, ban hành đầy đủ, kịp thời các Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật; rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới và hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật đảm bảo đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý theo cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; hoàn thiện cơ chế phân cấp, ủy quyền hợp lý trong các hoạt động xây dựng; đôn đốc, hướng dẫn, đánh giá việc thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng theo quy định tại Luật Xây dựng; tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng công trình, an toàn xây dựng; nâng cao năng lực của các cơ quan chuyên môn về xây dựng cũng như của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng.
Theo nguồn wwww.baoxaydung.com.vn
Ý kiến bạn đọc