Sau chiến tranh Việt Nam đối mặt với sự suy thoái về kinh tế và thiếu hụt lương thực một cách trầm trọng. Chính phủ đã khởi đầu công cuộc cải cách hành chính gọi là “Đổi Mới” năm 1986 công nhận cơ chế thị trường tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam (worldbank 2007), chính sách này đã đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, hoạt động quản lý hành chính nhà nước vẫn còn rất nhiều thủ tục rườm rà, nhiêu khê chưa đáp ứng được nhu cầu của công cuộc đổi mới “So với yêu cầu và mục tiêu đề ra, nhìn chung công cuộc cảnh cách hành chính vẫn còn bộc lộ nhiều khuyết điểm, yếu kém, tiến độ cải cách còn chậm, hiệu quả thấp, chưa đồng bộ”
- Thể chế hành chính
- Cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính
- Nguồn nhân lực
- Tài chính công
Đến nay Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001 – 2010 đã kết thúc, đã có một số kết quả đáng khích lệ như là Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính trong giai đoạn 2007-2010. Kết thúc giai đoạn 1 của Đề án, đã thống kê và công khai được trên 5.700 thủ tục hành chính, trên 9.000 văn bản quy định và trên 100.000 biểu mẫu thống kê thủ tục hành chính trong phạm vi cả nước. Giai đoạn 2, các bộ, ngành và địa phương đã tiến hành tự rà soát thủ tục hành chính và hoàn thành đúng tiến độ, đạt chỉ tiêu đơn giản hoá tối thiểu 30% thủ tục theo chỉ đạo của Thủ tướng. Đến nay, đã có trên 5.500 thủ tục hành chính được rà soát; có 453 thủ tục hành chính được kiến nghị bãi bỏ, hủy bỏ; có 3749 thủ tục hành chính được kiến nghị sửa đổi, bổ sung; có 288 thủ tục hành chính được kiến nghị thay thế, đạt tỉ lệ đơn giản hóa 81%... đã tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp trong giao dịch hành chính.
Hình 1: Chất lượng văn bản kém do ban hành chưa đúng quy trình, Nguồn: Báo Tuổi trẻ cười
Tuy nhiên thực trạng nền hành chính nhà nước ở nước ta vẫn còn nhiều bất ổn, ví dụ như:
- Bộ máy cồng kềnh, chồng chéo về chức năng (Vấn đề về chất thải: Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về chất thải đô thị, Bộ Công thương chịu trách nhiệm về chất thải công nghiệp, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về chất thải Y tế, chất thải nông thôn do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý), tuy nhiên hiện tượng chất thải được vứt bừa bãi vẫn phổ biến.
- Triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông vẫn còn thiếu đồng bộ, thủ tục giải quyết một số loại hồ sơ hành chính còn bị cắt khúc theo cấp hành chính, chưa tạo thành quy trình giải quyết thống nhất từ Trung ương đến địa phương nên vẫn còn gây phiền hà cho tổ chức, công dân khi thực hiện các giao dịch hành chính. Quan hệ phối hợp trong giải quyết hồ sơ giữa các cấp, các ngành tuy có tiến bộ, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều thiếu sót, ý thức cộng đồng trách nhiệm giữa các bên chưa cao, còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.
Hình 2:Quy trình giải quyết chưa thống nhất giữa Trung ương và địa phương. Nguồn: Báo Tuổi trẻ cười
- Ý thức trách nhiệm thi hành công vụ, thái độ phục vụ nhân dân của đa số cán bộ, công chức tuy đã có chuyển biến nhưng còn chậm. Một bộ phận cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả còn thiếu trách nhiệm, chưa thạo việc, hạn chế về năng lực, giải thích, tiếp nhận hồ sơ của người dân không được thoả đáng, đầy đủ dẫn đến người dân phải đi lại nhiều lần.
- Đội ngũ công chức được đánh giá là thừa, thiếu, yếu. Một bộ phận công chức suy thoái phẩm chất, đạo đức, tham nhũng, cửa quyền, thiếu ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ, vô cảm trước yêu cầu của nhân dân, của xã hội.
- Yếu kém lớn nhất là chất lượng của đội ngũ công chức vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trong cơ chế mới.
- Có đến 33% công chức đến công sở mà không làm việc hoặc chỉ làm việc “riêng”.
Đó là một số tổng kết mới nhất về Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001 – 2010 của Bộ Nội vụ
Từ những tồn tại yếu kém trên cho thấy rằng đội ngũ công chức là yếu tố tiên quyết dẫn đến thành công của công cuộc cải cách hành chính ớ nước ta. Do đó, thiết nghĩ trong thời gian tới Chính phủ cần có những giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ công chức về nhận thức, trình độ, năng lực, tiền lương . . .
Chính vì tồn tại yếu kém trên mà Chính phủ ta đã xác định rằng phải tiếp tục cải cách hành chính bằng Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020.
Một vài ý kiến chia sẽ
Như vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức là tất yếu trong cải cách hành chính. Do đó muốn đáp ứng được yêu cầu của một công chức trong tình hình mới, ngay từ bây giờ mỗi người chúng ta cần có ý thức tự đổi mới mình để thích nghi bằng những việc làm cụ thể như:
- Đảm bảo thời gian làm việc tại cơ quan, không đi trễ về sớm hoặc đến cơ quan sớm rồi đi ăn sáng, uống café đến 8 – 9h mới vào cơ quan làm việc, sau đó đến 10h 30 đã ra về . . .
- Hoàn thành công việc với chất lượng cao đảm bảo tính hiệu quả, hiệu lực của văn bản do mình tham mưu, điều này chứng tỏ bạn có nghiên cứu về chính sách pháp luật và áp dụng vào tình hình thực tiễn một cách linh hoạt.
- Cố gắn hoàn thành từng việc nhỏ một bằng chính năng lực của mình
Ở các nước phát triển người ta dùng nhiều phương pháp khác nhau khai thác năng lực làm việc tối ưu của công chức bằng cách đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của công chức như là con người. Theo nhà tâm lý học Maslow, nhu cầu của con người có 5 thứ bậc sau:
- Nhu cầu đòi hỏi về sinh lý: ăn uống, ở, sinh lý
- Nhu cầu an toàn: được an toàn và bảo vệ khỏi đe dọa của vất chất hay tinh thần
- Nhu cầu xã hội: được yêu mến, thoải mái, chấp nhận và thấu hiểu
- Nhu cầu được kính trọng và tự tin, thể hiện qua các yếu tố nội tâm như: tự trọng, tự chủ, tự quyết và thành đạt; các yếu tố bên ngoài như tính pháp lý, được thừa nhận, được chú ý
- Nhu cầu tự hoàn thiện bản thân: tăng trưởng, thành công tiềm năng của chính mình và vươn tới cái mà mình muốn
Nếu được đáp ứng cơ bản những đòi hỏi, nhu cầu trên cộng với sự tuyển dụng bài bản sẽ làm cho công chức hết lòng phụng sự công vụ.
Trong một trường hợp khác, Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã tư vấn cho Việt Nam giải quyết vấn đề tham nhũng (cốt lõi sinh ra sự sách nhiễu, phiền hà trong thủ tục hành chính) bằng 4 giải pháp đồng bộ như sau:
1. Làm cho công chức không dám tham nhũng bằng cách phạt rất nặng
2. Làm cho công chức không cần tham nhũng bằng cách trả lương rất cao
3. Làm cho công chức không thể tham nhũng bằng cách quản lý rất chặt
4. Làm cho công chức không nên tham nhũng bằng cách giáo dục họ
Tóm lại, biết rằng muốn cải cách hành chính để làm cho nền hành chính nhà nước hiệu quả, hiệu lực phải bắt đầu từ công chức vì công chức là những người trực tiếp xây dựng pháp luật và đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay ở nước ta, có thể áp dụng những phương pháp trên ngay được không ? đây vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngõ ?! . . .
Hy vọng rằng bài viết này là một hồi chuông cảnh báo cho những công chức đã góp phần làm trì trệ công cuộc cải cách hành chính ở nước ta, chưa ý thức được vai trò công chức, công vụ của mình đó cũng là những khó khăn, vướng mắc cần những nhà lãnh đạo thấu hiểu để có những định hướng đúng đắn hơn./.
Kts. Nguyễn Minh Bình
Tài liệu tham khảo:
CT-TTg, 2005. Chỉ thị số 09/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đầy mạnh công tác cải cách hành chính. Hanoi: Chính phủ Việt Nam.
HocvienhanhchinhHCM, 2010. Hành chính nhà nước và Công nghệ hành chính. Hanoi: Nhà xuất bản khoa học và Kỹ thuật.
Báo cáo tổng kết chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2001 - 2010 của Bộ Nội vụ
Luật Công chức năm 2008
Ý kiến bạn đọc