Môi trường - thách thức không nhỏ
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, thời gian qua, nhiều công nghệ xử lý rác thải của nước ngoài đã được áp dụng, tuy nhiên, do rác thải tại nguồn ở nước ta chưa được phân loại nên việc khai thác, vận hành, tiêu thụ sản phẩm sau xử lý rác cũng như bảo dưỡng, thay thế thiết bị gặp nhiều khó khăn. Một số công nghệ xử lý rác trong nước đang được nghiên cứu áp dụng nhưng công nghệ chưa được hoàn thiện, tỷ lệ xử lý rác thấp, tỷ lệ chôn lấp còn cao và sản phẩm đầu ra còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ.
Với tốc độ đô thị hóa đi đôi với phát triển nhanh các ngành công nghiệp, dịch vụ đã làm nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến môi trường đặc biệt là xử lý rác thải. Mỗi ngày, các tỉnh, thành trong cả nước phải xử lý một khối lượng rác thải khổng lồ và nếu không có công nghệ xử lý rác hiệu quả, hạn chế tối đa tỷ lệ chôn lấp thì việc bảo vệ môi trường trong thời gian tới sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn.
Hiệu quả với công nghệ “Made in Viet Nam”
Trước thực tại đó, việc Cty TNHH Thủy lực - Máy đã nghiên cứu thành công và cho ra đời công nghệ MBT-CD.08 trong xử lý rác thải được Bộ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá cao. Công nghệ “Made in Viet Nam” này tỏ ra khá hiệu quả khi khắc phục được nhiều nhược điểm mà các công nghệ xử lý rác khác đang phải “đau đầu”. Không chỉ giúp xử lý tối đa 100% chất thải rắn, không chôn lấp, không phát sinh ô nhiễm môi trường trong quá trình xử lý, góp phần tích cực bảo vệ môi trường, giảm phát thải CO2 mà còn cho phép thu hồi các sản phẩm có ích để tái chế thành các viên nhiên liệu đốt (thay thế các nhiên liệu đốt truyền thống, tiết kiệm tài nguyên) và gạch không nung… Khác với những nhà máy xử lý rác trước có đầu ra là phân vi sinh, những sản phẩm của công nghệ này có thị trường tiêu thụ rộng lớn như viên đốt dùng cho đốt công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hoặc đốt phát điện, gạch không nung dùng xây dựng…
Sản phẩm đầu ra là viên đốt và gạch không nung.
Mô hình cần nhân rộng
“Các địa phương cần nghiên cứu áp dụng công nghệ xử lý rác này. Nhà cung cấp chế tạo thiết bị công nghệ tiếp tục chuyển giao công nghệ, và ngày càng hoàn thiện hơn nữa công nghệ này để các địa phương áp dụng, để mô hình nhà máy xử lý rác thải công nghệ MBT-CD.08 được nhân rộng tại nhiều địa phương trên cả nước, góp phần thiết thực phát triển bền vững môi trường, đô thị khắp các vùng miền nước ta” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh.
Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Sông Công - nhà máy đầu tiên được xây dựng, áp dụng công nghệ này - được khánh thành và đi vào hoạt động giúp giải quyết triệt để vấn đề rác thải của thị xã Sông Công nói riêng và của tỉnh Thái Nguyên nói chung, góp phần phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo đô thị… đã trở thành “phép thử” khẳng định sự thành công cũng như hiệu quả tối đa của công nghệ này. Theo ông Phạm Xuân Đương - Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, “với những ưu việt tối ưu, mô hình nhà máy xử lý rác thải tiên tiến này sẽ được nhân rộng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”.
Hiện công nghệ xử lý rác MBT-CD.08 đang tiếp tục được nghiên cứu, phát triển với việc chế tạo các mô đun phát điện, lò đốt rác công nghiệp, tái chế túi ni lông và cao su thành dầu FO… góp phần xử lý rác thải công nghiệp, rác thải y tế và các loại rác thải độc hại khác. Hy vọng việc hoàn thiện công nghệ này sẽ giúp giải quyết tối đa loại rác thải độc hại như rác thải y tế và một số rác thải độc hại khác mà chưa loại công nghệ nào xử lý được triệt để, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và hướng đến một Việt Nam “xanh”.
Ý kiến bạn đọc