Trong những năm gần đây, cụm từ “quy hoạch treo” trong quy hoạch thường là điểm nóng nhất trong các nghị trường. Tất cả những nhà quản lý, chuyên môn và người dân đều cho rằng nhược điểm quy hoạch lớn nhất của ta là còn làm trên giấy, quy hoạch treo, ít chú tâm đến các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và đời sống của người dân. Quy hoạch đô thị, nếu không được nghiên cứu toàn diện, có phương pháp, quy trình kỹ thuật sẽ là nguồn gốc tiềm ẩn của sự bất ổn kinh tế, chính trị và xã hội.
Sự toàn diện được thể hiện qua việc thu thập thông tin toàn diện có phương pháp, khoa học theo các chỉ số đô thị (do Ngân hàng thế giới hướng dẫn) nhằm giúp các đô thị có thể đo lường, tổng kết và cải thiện thành tích và chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, Quản lý hiệu quả các đô thị là vấn đề vô cùng khó khăn và ngày càng trở nên phức tạp do các vấn đề gia tăng dân số và phát triển kinh tế đang diễn ra ở các khu vực đô thị. Ngân hàng thế giới cho rằng, những thách thức lớn hiện nay như giảm nghèo, phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu, kiến tạo và duy trì một xã hội an bình và bình đẳng sẽ là những gì các đô thị cần phải giải quyết. Tương tự như vậy là những vấn đề thường nhật như thu gom rác, quản lý các rủi ro cháy nổ và các thảm họa khác, cung cấp nước, điện, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, và vô số các dịch vụ khác giúp cuộc sống người dân tốt hơn. Những chỉ số được thu thập có phương pháp và tiêu chuẩn hóa là rất cần thiết nhằm đo lường thành tích của các đô thị, nắm bắt được các xu hướng phát triển để cải cách và hỗ trợ các đô thị trở thành những đối tác toàn cầu.
Việc thiếu thông tin hiện trạng, chuẩn hóa đã làm hạn chế các đô thị trong việc quan sát các xu hướng, giám sát cải thiện tiến độ, tạo ra các bước ngoặc, chia sẻ kinh nghiệm thực tế phù hợp, hoặc học hỏi từ nhau cùng tiến bộ. Tóm lại, nghiên cứu toàn diện là rất cần thiết để xác định các vấn đề mang tính Chiến lược cho tất cả các ngành lĩnh vực chứ không riêng vì đô thị.
Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, hệ thống quy hoạch truyền thống của Việt Nam được thiết lập dựa trên nền kinh tế kế hoạch hóa đang trong thời kỳ cải tổ, bởi không gian đô thị được tổ chức, như là tác phẩm hoàn chỉnh, khó thích nghi với những biến đổi của cuộc sống.
Thứ hai, có quá nhiều loại quy hoạch trên một phạm vi lãnh thổ và quy hoạch đô thị dường như chỉ được xem như là một quy hoạch chuyên ngành như các quy hoạch chuyên ngành khác như: Phát triển kinh tế xã hội, sử dụng đất, giao thông, công nghiệp, viễn thông, điện. Mỗi ngành có những số liệu điều tra, khảo sát, tuy nhiên số liệu rất khác nhau. Mỗi ngành đều có những định hướng phát triển, tuy nhiên cũng rất khác nhau. Một cái khác nữa là, thời điểm lập và phê duyệt các quy hoạch này cũng khác nhau. Chưa lồng ghép các quy hoạch ngành vào trong quy hoạch đô thị để chung sức tạo nên hình ảnh đô thị đó.
Thứ ba, về góc độ chuyên môn, các nhà quy hoạch của ta, thiếu các thông tin đầu vào về hiện trạng kinh tế - xã hội trong đề xuất quy hoạch đô thị, thiếu kỹ năng phân tích hiện trạng và xác định các vấn đề, tầm nhìn, chiến lược dài hạn còn hạn chế, dẫn đến hình ảnh đô thị bị biến dạng theo ý đồ cá nhân lập quy hoạch hoặc theo ý đồ của chủ đầu tư.
Cuối cùng là, chính quyền đô thị muốn làm rất nhiều việc trong khi năng lực là hạn chế, không đủ đáp ứng những ước muốn đặt ra.
Từ những vấn đề trên cho thấy phương pháp quy hoạch, tổ chức phát triển đô thị của ta thiếu sự toàn diện, sự tham gia của nhiều bên (đặc biệt là cộng đồng dân cư địa phương) và không có chiến lược. Hệ lụy là:
- Không có tầm nhìn (hình ảnh tương lai của đô thị) để thúc đẩy nhận thức chung của các bên liên quan của địa phương về sự phát triển tương lai của nơi mình sinh sống.
- Chúng ta đang thiếu một Chiến lược để hợp nhất giữa các quy hoạch kinh tế, xã hội, môi trường và không gian vật chất để tìm ra một vùng chung – một tiếng nói chung, cùng các mục tiêu quy hoạch chung, để đảm bảo sống tốt, công bằng xã hội và phát triển bền vững. Không có Chiến lược, dự án và kế hoạch hành động để hoạch định chính sách. Làm tốn kém thời gian và chi phí.
- Cuối cùng là, không có cơ chế giám sát thực hiện.
Do đó, quy hoạch không khả thi, không thực hiện. Mất lòng tin của người dân.
Câu hỏi đặt ra:
Từ khi áp dụng chính sách Đổi mới, Việt Nam đã giữ được mức tăng trưởng kinh tế cao trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này làm gia tăng tình trạng mở rộng đô thị. Vậy làm thế nào để hướng dẫn, thúc đẩy và kiểm soát đầu tư phát triển đô thị đặc biệt là đối với bộ phận đầu tư tư nhân để tổ chức tốt các đô thị làm động lực phát triển kinh tế đã trở thành một trong những vai trò quan trọng nhất của công tác quy hoạch đô thị và quản lý quy hoạch đô thị Việt Nam hiện nay? (khu vực đô thị đóng góp hơn 70% GDP của cả nước).
(Ảnh: L.H.T /SGTT)
Ngày nay, trước nhu cầu phát triển nhanh, Quy hoạch đô thị hiện đại, với hệ thống lý luận hoàn chỉnh, được định nghĩa là quy trình kỹ thuật và chính trị về kiểm soát sử dụng đất và thiết kế môi trường đô thị, gồm mạng lưới giao thông vận tải để hướng dẫn và đảm bảo phát triển các khu dân cư và cộng đồng một cách trật tự. Quy hoạch đô thị theo hướng tiếp cận mới là: Toàn diện, có sự tham gia của nhiều bên và mang tính chiến lược tạo ra, phát triển đô thị để phục vụ cuộc sống của con người, giúp chính quyền kiểm soát được sự phát triển của đô thị nhưng không quá cứng nhắc như hiện nay. “Không có quy hoạch tốt, chỉ có quy hoạch phù hợp với cư dân ở đó” là thông điệp về tính cấp thiết phải thay đổi Quy trình lập quy hoạch và quản lý đô thị tại Việt Nam. Đặc biệt chú trọng ba vấn đề sau:
- Thứ nhất: Quy hoạch phải tuân thủ quy trình Toàn diện, có sự tham gia của nhiều bên và mang tính chiến lược, đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng dân cư ở đó (khu vực tư nhân), hướng đến cụ thể hóa những ước muốn của người dân ở đó bằng tất cả nguồn lực xã hội.
- Thứ hai: Chính quyền chỉ quản lý những gì cần quản lý (ví dụ như: Hạ tầng khung đô thị, công viên, mặt nước, các khu vực dịch vụ công cộng, khu vực văn hóa, lịch sử). Không quản lý quá sâu đến từng lô đất, không cần thiết, làm cản trở sự phát triển.
- Thứ ba: Tạo cơ chế đối chất bình đẳng giữa nhà đầu tư và nhà nước trong việc tăng mật độ/không gian sử dụng làm ảnh hưởng đến gánh nặng hạ tầng để có sự linh hoạt trong kiểm soát phát triển đô thị (ví dụ như: theo quy hoạch thì khu vực chỉ được xây dựng 7 tầng. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể đối chất với nhà nước để chia sẽ gánh nặng hạ tầng (nếu được xây dựng 9 tầng) thì nhà đầu tư phải xây dựng 1 tầng hầm hoặc lùi chỉ giới xây dựng hoặc bỏ tiền xây dựng một công viên gần đó) từ đó nhà nước có những cân nhắc để quyết định.
Trên đây là đề xuất giải pháp chấm dứt cụm từ “quy hoạch treo” mà chính quyền lâu nay phải liên tục đối chất với người dân nhưng chưa có lời giải. Nó đồng thời là công cụ hướng dẫn, thúc đẩy và kiểm soát đầu tư phát triển đô thị đặc biệt là đối với bộ phận đầu tư tư nhân để tổ chức tốt các đô thị làm động lực phát triển kinh tế - xã hội của đô thị đó./.
Tài liệu tham khảo:
ThS.KTS Nguyễn Minh Bình
Ý kiến bạn đọc