Ảnh minh họa
Đó là nội dung trong thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính 06 tháng đầu năm 2017 và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2016 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, để nâng cao hiệu quả thực hiện Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016, từ nay đến cuối năm 2017, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương các cấp trong thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo sự nhất quán, kiên trì, liên tục trong cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính từ xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức triển khai, kiểm tra, đánh giá kết quả trên cơ sở kế hoạch và mục tiêu đã đề ra.
Kiên quyết xóa bỏ cơ chế ''xin - cho'', lợi ích nhóm
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan thực hiện nghiêm Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 21/3/2016 của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kiên quyết xóa bỏ cơ chế ''xin - cho'', lợi ích nhóm. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và các địa phương tiếp tục rà soát, trình Chính phủ trong tháng 11/2017 bổ sung các lĩnh vực có thể phân cấp tiếp cho địa phương, theo hướng cấp nào sát việc nhất thì cấp đó thực hiện, tránh tình trạng thông qua nhiều cấp trung gian dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức. Các bộ, cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương không ôm đồm, bao biện, làm thay địa phương; cần tập trung vào xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý và tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ với nội dung trọng tâm là: Việc tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và thanh tra, kiểm tra tối thiểu 30% các đơn vị thuộc, trực thuộc trong năm 2017; việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức; xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị cố ý làm trái các quy định pháp luật, gây khó khăn cho người dân, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính.
Đồng thời gắn kết chặt chẽ việc xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử với cải cách thủ tục hành chính. Khẩn trương hoàn thiện, ban hành và triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, kiến trúc chính quyền điện tử cấp tỉnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đẩy mạnh việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, các phần mềm dùng chung, bảo đảm tính tương thích, đồng bộ và thông suốt để nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong quá trình xử lý công việc; tăng tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử trao đổi giữa các cơ quan nhà nước. Thực hiện cung cấp trực tuyến dịch vụ công mức độ 3, 4 và tích hợp các dịch vụ công này với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân.
Thực hiện nghiêm, có hiệu quả Quy chế tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 574/QĐ-TTg ngày 25/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Phát huy vai trò của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trong việc nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp.
Thiết lập hệ thống thông tin điện tử một cửa kết nối các cấp chính quyền
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan trong quý III/2017 trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước các cấp, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa kiểm soát thủ tục hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử; thiết lập hệ thống thông tin điện tử một cửa kết nối giữa các cấp chính quyền nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức; tăng cường tính công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức, viên chức; tăng tính liên thông, kết nối, chia sẻ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng số lượng thủ tục hành chính được hướng dẫn, tiếp nhận, giám sát, trả kết quả; tạo hành lang pháp lý cho việc đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền và cho tổ chức và hoạt động của các trung tâm hành chính công, trong đó cần tính tới yếu tố đặc thù của địa phương, bảo đảm tính khả thi và tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức.
Căn cứ vào kết quả Chỉ số cải cách hành chính hàng năm được Bộ Nội vụ công bố, các bộ, ngành, địa phương rà soát, xác định rõ những điểm mạnh cũng như những hạn chế, yếu kém trong công tác cải cách hành chính của đơn vị mình được thể hiện thông qua số điểm đạt được của từng tiêu chí, lĩnh vực cải cách; từ đó, chỉ đạo làm rõ nguyên nhân của hạn chế, yếu kém cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai từng nhiệm vụ cải cách hành chính; đồng thời, đề ra các biện pháp cụ thể để khắc phục, bảo đảm nhiệm vụ cải cách hành chính được triển khai đúng tiến độ và kế hoạch. Đưa Chỉ số cải cách hành chính là một trong những nội dung kiểm tra về cải cách hành chính của Lãnh đạo Chính phủ.